Ngày nay, công nghệ đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống. Mọi hoạt động của con người trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn khi có sự hỗ trợ rất lớn của các thiết bị công nghệ. Tuy nhiên người dùng nên lựa chọn sử dụng những thiết bị công nghệ phù hợp với lứa tuổi của mình. Bởi lẽ, làm quen với công nghệ sớm tốt hay không đều dựa vào cách sử dụng của mỗi người. Dưới đây là một số ưu và nhược điểm của việc tiếp xúc sớm với công nghệ, bạn tham khảo nhé.
1. Lợi ích của việc làm quen với công nghệ sớm.
a) Mở mang kiến thức và tầm hiểu biết.
Các thiết bị điện tử được con người sử dụng sớm nhất và nhiều nhất trong cuộc sống. Có thể kể đến như tivi, tủ lạnh, loa đài, hoặc các thiết bị sử dụng trong gia đình. Ngoài ra, ngày nay các thiết bị điện tử như điện thoại, laptop được sử dụng ngày càng phổ biến. Kể cả những trẻ em có độ tuổi từ 10 – 15 tuổi đã sở hữu các thiết bị thông minh. Rất phổ biến những trẻ em 2 – 5 tuổi đã làm quen với điện thoại di động, máy tính bảng hay laptop của bố mẹ.
Các thiết bị di động hỗ trợ rất nhiều trong việc tìm kiếm thông tin bên ngoài xã hội. Điều này giúp những người trẻ mở mang nguồn kiến thức, xây dựng tư duy của mình. Một điều chắc chắn rằng những người được tiếp xúc sớm với internet thường có độ hiểu biết rộng hơn những người tiếp xúc muộn.
Ngoài ra, sự hấp dẫn và mới lạ của các thiết bị điện tử tạo cho trẻ em sự hứng thú để tìm tòi khám phá nhiều hơn, kích thích sự phát triển. Từ đó góp phần nuôi dưỡng trí tuệ của trẻ nhỏ.
b) Việc học tập trở nên hấp dẫn, thú vị hơn.
Ngày nay tại Việt Nam hầu như tất cả các trường học từ cấp tiểu học đã được trang bị các thiết bị máy tính, máy chiếu, tivi,…Ngoài ra một số trường học mầm non trên thế giới đã sử dụng Ipad vào chương trình giảng dạy.
Nhờ việc áp dụng những thiết bị công nghệ, những kiến thức học tập được truyền tải hấp dẫn, thu hút. Đồng thời nhờ đến sự hỗ trợ của công nghệ, khối lượng lớn kiến thức trên trường được các em học sinh ghi nhớ lâu hơn, nhanh hơn so với việc tiếp nạp kiến thức thông thường.
c) Nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sự thật rằng các thiết bị công nghệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc sống con người. Nếu tiếp nhận những thông tin bổ ích, những điều tích cực được chia sẻ bởi mọi người xung quanh, đời sống tinh thần trở nên thú vị hơn. Bên cạnh đó nhờ việc tiếp thu những nguồn kiến thức sâu rộng ở bên ngoài, trí não có thể tư duy tốt hơn, dễ thích nghi hơn với những thiết bị tân tiến bên ngoài.
2. Tác động tiêu cực khi sử dụng công nghệ sớm.
a) Ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đây là điều mà tất cả mọi người đều lo ngại khi tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử như laptop, điện thoại di động. Kể cả người lớn và trẻ nhỏ khi sử dụng những thiết bị này với tần suất lớn và không đúng cách sẽ ảnh hưởng lớn đến mắt và các bộ phận khác. Đặc biệt là trẻ nhỏ, khi đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển các chức năng.
Bên cạnh đó, trẻ em nên được hoạt động để phát triển các cơ quan như tay chân thay vì ngồi một chỗ quá lâu để sử dụng các thiết bị di động.
b) Bị tác động bởi những thông tin xấu từ internet.
Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng và đáng lo ngại nhất hiện nay khi các bậc phụ huynh cho con em sử dụng điện thoại di động có kết nối internet khi còn quá sớm. Bởi lẽ cha mẹ không thể kiểm soát hết hoàn toàn những thông tin không phù hợp tiếp cận với trẻ nhỏ.
Mỗi ngày trên các trang mạng xã hội có vô vàn những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến tư duy của trẻ nhỏ. Đã rất nhiều trường hợp xấu xảy ra khi trẻ em học đòi theo những thứ trên mạng với sự tò mò, thích khám phá của bản thân.
Ngoài ra những thông tin xấu có thể gây nên sự phát triển lệch lạc trong tư duy, tính cách của trẻ nhỏ.
c) Giảm tương tác với mọi người xung quanh.
Trẻ em, trẻ vị thành niên là những đối tượng dễ bị sa đà vào những thú vui trên các nền tảng công nghệ. Rất nhiều bạn nhỏ cắm đầu vào các trò chơi, hoặc sa vào các hoạt động trên mạng xã hội mà quên đi những sự hiện diện trước mắt. Thay vì nói chuyện trực tiếp thì những đứa trẻ này có xu hướng nhắn tin qua điện thoại, laptop… Hoặc có thể chúng không màng đến việc giao tiếp với mọi người xung quanh, chỉ tập trung vào các thiết bị điện tử.
d) Giảm kỹ năng giao tiếp.
Đây cũng là vấn đề mà rất nhiều người lo ngại. Đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ. Nhiều em nhỏ mải mê vào các thiết bị điện tử, không giao tiếp với các bạn bè xung quanh, dẫn đến những tình trạng khó giao tiếp, trở nên lạc lõng, cô độc, khó bắt nhịp với mọi người. Từ đó hình thành một lỗ hổng trong những kỹ năng cần thiết cho sự hình thành và phát triển của trẻ.
Không thể chắc chắn rằng làm quen với công nghệ sớm là tốt hay là không. Từ những phân tích trên đây mỗi người nên có ý thức và suy nghĩ thông minh trong việc sử dụng công nghệ. Hãy sử dụng khi cần thiết và thật vừa phải, tránh việc lạm dụng quá đà.
Đặc biệt những bậc cha mẹ nên quan tâm con cái nhiều hơn. Vì một tương lai của trẻ nhỏ, người lớn nên kiểm soát những nội dung mà con trẻ tiếp xúc. Đồng thời hãy nên chủ động cập nhật những chương trình thú vị với trẻ nhỏ như khoa học, động vật,… để giúp trẻ mở rộng những kiến thức có ích. Bên cạnh đó các bậc phụ huynh lưu ý chỉ nên cho trẻ sử dụng internet dưới 30 phút/ tuần để tránh trường hợp quá lạm dụng vào thiết bị công nghệ.